[Review] Old boy 2003
Cách đây 2 hôm, nghĩa là trước khi thi môn cuối cùng của giai đoạn, quá bất lực với việc ôn thi nên mình lại lò dò lên mạng kiếm phim để xem. Phim này mình từng được con bạn trên lớp kể qua về nội dung rồi nhưng không nhớ lắm, xong lại được con bạn thân đề cử lần nữa nên quyết định ngồi coi.
Mình nhớ ngồi xem một mạch đến hơn 2h sáng và hai ngày kế tiếp thì mơ ác mộng luôn. Nhân lúc vừa thi xong rảnh rỗi, mình sẽ viết vài dòng về những ấn tượng của mình với phim vậy.
Note: Phim có nhiều yếu tố bạo lực, tình dục, cấm trẻ em dưới 18 tuổi.
Thực tình thì mình nghĩ không chỉ giới hạn ở 18 tuổi trở lên, mà những ai thần kinh yếu thì đều không nên xem phim này.
Director: Park Chan Wook
Based on: Old boy written by Nobuaki Minegishi and Garon Tsuchiya
Starring: Choi Min Sik, Yoo Ji Tae
Release date: November 21, 2003
Mình biết có rất nhiều người ác cảm với phim Hàn Quốc. Chính mình cũng từng là đứa cứ nhắc đến Hàn Quốc là bĩu môi, nghĩ vớ vẩn. Sau này lớn lên, suy nghĩ ấy bắt đầu thay đổi và mình cũng có cái nhìn đúng đắn hơn, nhưng ảnh hưởng của phim Hàn với mình thì không khác nhiều lắm. K-Drama quả thực không phải gu của mình, dù nó đình đám và được yêu thích tới mức nào. Tuy nhiên, K-Movies thì lại là chuyện khác. Chắc do quy luật bù trừ hay sao mà càng ngại xem phim truyền hình thì mình lại càng thích coi phim điện ảnh, đặc biệt là các phim về đề tài xã hội. Cá nhân mình thấy không chỉ Hàn Quốc mà các nước châu Á nói chung đều làm được các phim về đề tài xã hội, cuộc sống rất hay và gây sức ám ảnh lớn. Old boy cũng không phải là một ngoại lê,
Cách đây 2 năm khi xem Kokuhaku, mình đã vô cùng ấn tượng và shock trước thực tế mà bộ phim truyền tải thì nay xem Old boy, mọi cảm nhận đều tăng lên gấp 10. Cả bộ phim như một thước quay chậm với cái màu nhờ nhờ của máu và của sự thật tàn nhẫn. Cứ nghĩ đến là mình lại tưởng tượng ra cảnh một căn phòng xập xệ, rách nát, bẩn thỉu và một người nằm vật vờ trên sàn nhà ấy, sống như không sống, lúc nào cũng bị đày đọa về cả thể xác lẫn tinh thần.
Có rất nhiều nội dung đáng tranh cãi được truyền tải vào bộ phim, mà những ai chưa xem thì không nên đọc tiếp để giảm sự bất ngờ.
Thứ nhất, sự trả thù.
Oh Dae-su là nhân vật chính, bị bắt cóc và nhốt 15 năm trong phòng kín mà không hiểu lí do vì sao. Kẻ bắt cóc anh thậm chí còn dựng tội giết vợ, làm tan nát gia đình của anh. Sự bất lực và điên cuồng bộc lộ từ đầu phim khiến mình chắc mẩm rằng phim sẽ kể lại quá trình trả thù của anh. Nhưng nếu chuyện đơn giản như thế thì hẳn nó cũng chẳng có gì đặc biệt so với các phim khác.
Người muốn trả thù là người bị trả thù. Sự trả thù lại chính là sự chuộc tội. Suốt 15 năm ròng rã và kể cả khi được giải thoát, Oh Dae-su vẫn luôn tin mình là kẻ vô tội và thề sẽ tìm cho bằng được kẻ đã hại anh và gia đình nhỏ của anh. Nhưng khi mọi chuyện sáng tỏ, anh lại phải trả cái giá đắt hơn vì chính lỗi lầm của mình từ rất nhiều năm về trước. Một lỗi lầm kinh khủng đã khiến một cô gái phải tự vẫn, vậy mà anh lại quên. Anh cứ ngỡ những lời lan truyền là vô hại, nhưng đó lại chính là căn nguyên cho cuộc sống kinh khủng mà sau này anh phải trải qua. Tất cả tấn thảm kịch ấy xảy ra cũng chỉ vì một lời đồn thổi vu vơ tưởng như vô hại. Thế mới thấy ngôn từ có sức mạnh khủng khiếp đến thế nào.
Đôi khi mình nghĩ con người quả là một sinh vật kì lạ. Ích kỉ và ngu ngốc là thứ đẵ ăn sâu trong máu, trong linh hồn, không thể nào xóa bỏ được. Sống chết cũng chỉ vì bản thân, không bao giờ mở to mắt để nhìn thấy nỗi đau của người khác. Giống như Oh Dae-su ngu ngốc mà gián tiếp gây nên 4 cái chết tức tưởi trong phim, và thậm chí là tự tay hủy hoại cuộc đời của rất nhiều người liên quan khác, trong đó có con gái anh.
Sự trả thù suốt 20 năm, lên kế hoạch chi tiết cẩn thận. Và cho đến tận cuộc gặp mặt cuối cùng giữa 2 nhân vật chính, nó vẫn không biến mất. Kiểu như Back stabbing vậy. Tưởng rằng mình là người đưa ra cú dứt điểm, nhưng cuối cùng người bị thương lại chỉ có chính mình mà thôi.
Thứ hai, bạo lực.
Sự bạo lực của nó không nhiều nhưng gây ám ảnh kinh người. Từ cảnh đàn kiến bò cho đến cảnh cánh tay được gửi đến Oh Dae-su, và đỉnh điểm nhất chính là việc anh tự cắt lưỡi mình. Hiệu quả của nó là ở chỗ không quay trực diện mà dồn dập, tập trung vào biểu cảm của diễn viên. Không phải là sự kiên cường đối chọi với cái đau, mà là sự bất lực khủng khiếp xen lẫn giữa thể xác và tinh thần.
Thứ ba, sự thật.
Mình có nhớ một câu thế này "Nhà sư không nói dối, họ chỉ không nói sự thật thôi." Mình nghĩ đó là một quan niệm hay, vì không phải sự thật nào cũng đẹp đẽ. Oh Dae su đã có cơ hội giết chết kẻ thù của mình nhưng sự tò mò muốn tìm ra chân tướng mọi chuyện đã khiến anh có kết cục khủng khiếp ở cuối phim. Hệt như chiếc hộp Pandora vậy, không tìm được điểm dừng để rồi bao nhiêu tồi tệ, ác nghiệt nhất đều xuất hiện trên trần gian. Nhưng có lẽ như vậy mới chính là con người. Ngu ngốc, ích kỉ và có sức mạnh làm nên những điều không tưởng, dù cho đó là những điều bẩn thỉu nhất.
Thứ tư, tình yêu/tìnhdục.
Như đã nói ở đầu, nếu không phải về mặt nội dung hay bạo lực thì phim này cũng bị gán mác 18+ vì các cảnh sex scene của nó. Việc để nữ diễn viên không che đã chẳng còn lạ lẫm với nền điện ảnh Á Đông rồi. Cái đáng nói ở đây chính là mối quan hệ giữa các nhân vật chính trong phim. Theo mình, đây chính là yếu tố lớn nhất trong việc khẳng định người có thần kinh yếu thì không nên xem vì chủ đề trọng tâm trong Old boy là tình yêu loạn luân. Đúng thế, là loạn luân, là thứ tình cảm bị người đời nghi kị, kinh tởm, hoàn toàn bị cấm trong xã hội tiến bộ. Ấy vậy mà trong phim không chỉ có cảnh âu yếm giữa chị và em trai mà còn miêu tả chi tiết cảnh nóng bỏng giữa bố và con gái.
Trong quá khứ chính Dae-su là người phát hiện cuộc tình ngang trái giữa Lee Woo Jin và chị gái hắn, thì hiện tại lại bị chính Woo Jin trả thù bằng cách thôi miên sắp đặt cho anh và chính con gái mình yêu nhau. Cái kết phim hẳn sẽ làm mọi người xem phải ngã ngửa vì bất ngờ trước sự méo mó của số phận ấy. Sự trả thù lớn nhất đối với Oh Dae-su, chính là việc anh bấm nút điều khiển với ý định giết chết Lee Woo Jin, nhưng hóa ra lại khởi động máy ghi âm đặt sẵn trong phòng. Cảnh Oh Dae-su máu me, tuyệt vọng khóc lóc, quằn quại dưới sàn nhà trong âm thanh ghi âm tiếng làm tình giữa hai cha con anh không ngừng vang lên trong phòng kín có lẽ là cảnh ám ảnh nhất trong toàn bộ phim. Qua hành động đó của anh, ta có thể thấy sự hối lỗi vẫn không thắng được sự ham muốn trả thù trong trái tim con người. Mình thực sự phải ngả đầu trước Lee Woo Jin vì sự thâm sâu và bình tĩnh của hắn. Kể cả trước khi chết, hắn cũng vẫn đưa ra đòn dứt điểm, hạ gục hoàn toàn đối phương.
Nhưng tình yêu, xoay dọc xoay ngang, rốt cục vẫn là tình yêu. Mọi sự trả thù của Woo Jin đều bắt đầu từ tình yêu hắn dành cho chị. Và khi đã trải qua mọi chuyện, Dae-su vẫn chấp nhận xóa bỏ trí nhớ, xóa bỏ tư cách làm cha để có thể yêu con gái mình với tư cách là một người đàn ông bình thường. Sẽ có rất nhiều người đặt câu hỏi dụng ý của phim như vậy nghĩa là sao, phải chăng là ủng hộ tình yêu loạn luân? Với mình thì nghĩ đó đơn giản chỉ là tinh yêu mà thôi. Đã yêu nhau, thì dù trái tự nhiên cũng đâu thể thay đổi được gì. Có trách thì trách cuộc đời quá ác nghiệt mà thôi.
Lời cuối mình sẽ dành lời khen cho Choi Min Sik vì diễn xuất quá ấn tượng cũng như đạo diễn vì tạo ra một bộ phim táo bạo, gây sức ảnh hưởng lớn đến thế này. Qủa thật cuộc đời quá dài, quá rộng. Có quá nhiều chuyện ngoài tầm hiểu và chấp nhận của đạo đức luân thường vẫn diễn ra hằng ngày hàng giờ, mà đôi khi chỉ dám cầu nguyện những điều ngang trái đó sẽ không xảy đến với bản thân mình mà thôi.
Đây là bộ phim Hàn có điểm IMDB cao nhất (và cũng thuộc hàng top 70 nói chung) và mình nghĩ nó hoàn toàn xứng đáng với vị trí này.
"Laugh and the world laughs with you
Weep and you weep alone"
Tổng kết: 9/10