[Review] 3 idiots

Vậy là còn 1 ngày rưỡi nữa là phải đi học trở lại. Chính vì thời gian eo hẹp như vậy nên mình lại càng phải hoạch định thời gian cẩn thận để làm 1 đống việc trong list lập trước kì thi. Ờ thì ý định ban đầu của mình là tối nay ngồi đọc OP hoặc xem mấy phim đã down từ lâu mà chưa coi cơ, nhưng tự dưng chị mình lại nhớ đến 3 idiots mà con em họ nói cách đây 1 tuần. Thế là xem thôi.



Thực ra mình biết đến bộ phim này từ 1 năm trước, do thằng bạn giới thiệu, nhưng mà lười với lại trí nhớ không tốt nên quên mất. Đúng là bỏ phí mất bao nhiêu thời gian mới biết đến 160 phút cực kì ý nghĩa khi xem phim này.

Tên phim: 3 Chàng Ngốc - 3 Idiots 2009
Đạo diễn: Rajkumar Hirani
Diễn viên: Aamir Khan, Kareena Kapoor, Boman Irani, Madhavan, Sharman Joshi, Omi Vaidya, Javed Jaffrey, Mona Singh, Rajeev Ravindranathan, Ali Fazal, Akhil Mishra, Pitobash, Parikshat Sahni, Rakesh Sharma, Chandrashekhar
Thể loại: Hài Hước
Quốc gia: Ấn Độ
Thời lượng: 160 Phút
Năm phát hành: 2009

Ban đầu, khi được giới thiệu về phim này, suy nghĩ của mình là "ừ, nghe cũng được đấy....mà phim Ấn à?" Không có định kiến gì đâu, nhưng cảm xúc của 1 đứa ngại xem phim  của những nước không nổi tiếng về dòng này, hay chí ít là không phổ biến với mình bao giờ cũng vậy. Hơi ngán ngẩm và ngại một chút. Ngay cả khi bộ phim bắt đầu cũng vậy, là 1 đứa luôn thích mổ xẻ và quan sát thì mình thực sự không chấp nhận được cái tình tiết giả vờ ngất để máy bay hạ cánh. Vì thế mình đã sợ rằng bộ phim sẽ nhảm và giảng giải đạo lý một cách sáo rỗng, nếu như mình không ngồi tập trung xem tiếp.

Và thật may là bộ phim không làm mình thất vọng. Bỏ qua một vài chi tiết không logic đi thì đây thực sự là 1 phim mà mình nghĩ bất cứ người trẻ tuổi nào cũng nên xem, mà đặc biệt là thanh niên Việt Nam vì nó quá đúng, phản ánh quá chân thực cái tình trạng giáo dục hiện tại ở nước mình. Khi bé đứa trẻ nào cũng sẽ 1 lần được hỏi "lớn lên con muốn làm gì?". Có câu trả lời là giáo viên, kĩ sư, cảnh sát,... cũng có câu trả lời là họa sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh,..... nhưng mình chắc chắn đa phần những đứa trẻ ấy đều không thể làm được điều mình mong muốn ở cái tuổi lên 7, lên 8. Bởi vì khi ta lớn lên, mọi mong ước đều được qui lại trong 1 cụm từ "vật chất". Dù ít hay nhiều thì ai cũng sẽ đều có hướng suy nghĩ như vậy. Ngay cả những người có đam mê thực sự với nghề nghiệp của mình thì cũng đều vì 1 mục đích duy nhất là "làm giàu". Mình nghe đến 2 từ "làm giàu", "thành công" nhiều đến nỗi phát chán ngán với nó. Đành rằng đó là thực tế xã hội, nhưng vì sao phải đặt nó lên vị trí số 1 để mà cuốn cả tuổi trẻ của mình theo nó vậy?

Mình có một vài người bạn, rất nhiệt huyết, rất hăng say lao động, làm việc, phấn đấu cho tương lai của mình. Đó hiển nhiên là 1 điều tốt, đáng ngưỡng mộ, nhưng đôi khi cũng thấy tiếc cho họ. Vì đi làm nhiều mà không có thời gian trường lớp, vì quá bận với những project mà bỏ qua lễ hội, vui chơi, vì công việc bộn bề mà không có cả thời gian tự thưởng cho mình một tách coffee nóng. Vì sao vậy? Nếu bạn yêu công việc bạn đang làm, xin chúc mừng! Bạn là 1 trong những người hiếm hoi có đam mê với nghề của mình. Nhưng nếu trong đầu bạn chỉ có 1 câu là "phải thành công" thì thôi, bỏ đi. Nó cũng giống như một học sinh sống chết thi vào các trường cơ khí hoàng gia để rồi sau 4 năm học nhân ra mình yêu nhiếp ảnh vậy.

Nhân vật đầu tiên xuất hiện trong phim là Farhan, yêu thích chụp ảnh nhưng cuộc đời bị quyết định bởi một câu nói của người cha ngay từ khi sinh ra "Con tôi sẽ trở thành kĩ sư." Mình sẽ không nói gì nhiều về câu này, vì dù theo cách nào đi nữa, đó đơn giản chỉ là sự kì vọng của bậc phụ huynh dành cho con cái chứ không phải là câu nói quyết định cả đời người. Việc Farhan gạt bỏ đam mê của mình là do chính cậu ta quyết định như vậy, đó hoàn toàn không phải lỗi của bố mẹ cậu. Vì mỗi giây ta từ bỏ mơ ước của mình là mỗi giây ta đắp thêm niềm tin và kì vọng trong đầu những người thân xung quanh mình. Dĩ nhiên Farhan cũng có cái khó của riêng mình, vì mình nghĩ việc làm bố mẹ thất vọng chính là một trong những điều đau khổ nhất trên thế gian này. Nhưng mà việc chấp nhận làm mình đau khổ khi sống một cuộc sống mà mình không mong muốn thì nó cũng chả khác gì rạch dao vào tim bố mẹ mình cả. Suy cho cùng điều mà các bậc phụ huynh mong muốn thì cũng đều là hạnh phúc của con mình thôi. Và Farhan đã suýt gây ra sai lầm đó, nếu như anh không may mắn gặp được Rancho.

Rancho là nhân vật chính của toàn bộ phim. Ngay cả tình huống cậu xuất hiện cũng đặc biệt như chính con người mình vậy. Ở đây xuất hiện hình ảnh kí túc xá của các trường đại học, mà mình nghĩ ở đâu thì cũng vậy thôi (trừ 1 số nước). Đó là lễ chào mừng sinh viên năm nhất với đủ những trò kì quái và thậm chí bệnh hoạn trên đời. Xem đến đoạn này sinh viên VN hẳn cũng phải cảm thấy may mắn lắm vì được tham gia buổi chào đón tuy có nhạt nhẽo nhưng rất an toàn từ các anh chị khóa trên. 3 thằng ngốc của chúng ta thì không được như vậy. Họ bị lột quần, đóng dấu vào mông, đổ nước lên quần áo, thậm chí bị trừng phạt bằng cách đi tè vào cửa phòng kí túc. Rancho đã bị rơi vào tình huống đó, và bài học đầu tiên mình nhận được từ bộ phim này cũng là từ đây. Không khuất phục và tìm cách chống lại. Cậu nối dây điện vào thìa và cắm công tắc để khi nước... rớt xuống thì sẽ truyền vào người của thằng kia :)) Khá là thông minh và nhanh trí đúng không?

"Nước muối là chất dẫn điện tốt. Chúng tôi đều được học nó trong sách vật lí lớp 8 và cậu ấy là người áp dụng nó."

Farhan đã nhận ra như thế, và chính bản thân mình cũng vậy. Thử gập sách vở lại 1 chút, chúng ta nghĩ thử xem có những kiến thức gì đã từng học mà chúng ta có thể áp dụng ngoài thực tế? Đảm bảo là không nhiều. Ngay cả những kiến thức về y tế, đời sống học được cũng là từ nhiều nguồn sách khác nhau chứ không phải từ sách giáo khoa của nhà trường. Có quá nhiều thứ không cần thiết được đề cập đến trong sách mà mình chả hiểu cho vào để làm gì. Ví dụ đơn giản nhất chính là khái niệm. Như tiết học đầu tiên Rancho bật lại thầy giáo rồi bị đuổi ra khỏi lớp vậy. Với những từ ngữ chuyên ngành, khó hiểu, trừu tượng, đồng ý! Nhưng những khái niệm đơn giản khác mình vốn hiểu như thế nào thì đều bị thay đổi bằng một khái niệm khác khó hiểu hơn gấp trăm lần. Hay những kiến thức rất thú vị, rất hay ho nếu như nó không bị liệt vào mục những điều bắt buộc phải học.

Tự dưng mình nhớ đến lần thi đại học. Mình thi khối A vào tháng 7 và tầm tháng 9 thì chuyển ra HN để nhập học. Lúc đó con em họ kém mình 1 tuổi đã gọi và hỏi cách giải 1 bài Hóa. Mình thề là nó đơn giản lắm, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó không nhớ nổi kiến thức để làm như thế nào. Mới có 2 tháng thôi mà mình đã quên khá nhiều kiến thức Hóa được học suốt 5 năm qua. Thật kinh khủng! Hay nói về vật lý đi, nhớ được đường kính mặt trời thì giúp được gì cho cuộc sống của mình. Hay thậm chí mấy cái proton với notron thì có ích gì nhỉ. Vậy mình có quyền không học không? Dĩ nhiên là không. Khi nền giáo dục nước nhà đang còn nhiều khó khăn thì cách tốt nhất để tạo ra những nhân tố xuất chúng là bắt toàn bộ học sinh phải học cùng một chương trình nặng giống nhau, thằng nào giỏi hơn thì sẽ được lọc ra, còn thằng nào bình thường thì lọc tiếp bằng các kì thi đại học để vứt bớt những kiến thức không thực tế. Mình không có đả kích hay lên án gì về giáo dục nước nhà đâu, vì muốn thay đổi thì cần một chặng đường rất dài, và thực tế thì chẳng ở đâu có nền giáo dục hoàn hảo cả, ngay cả trong Harry Potter cũng thế.

Nếu có ai từng đọc Tottochan, cô bé ngồi bên cửa sổ thì hẳn sẽ vô cùng ao ước được học trong một môi trường như thế. Nó làm t nhớ đến những ước mơ thủa bé của mình. Vì bố mẹ làm giáo viên nên mìnhcũng đã từng luôn mong muốn lớn lên sẽ làm một giáo viên tốt như bố mẹ. Sau này khi bị giáo viên lớp 5 đối xử quá tệ thì mới đâm ra ghét và chuyển sang thích làm nhà văn. Nhưng rồi vì 1 vài lí do, mình lại bỏ văn để học khối A, dù rằng biết văn của mình cũng không phải là quá tệ. Vì chẳng quá đam mê với môn gì, nên thực ra như thế này cũng được. Mình học các môn khối A vì thấy nó hợp với bản thân hơn, hợp với cá tính và lối suy nghĩ của mình hơn, nhưng văn vẫn là một sở thích của mình. Mình học kinh tế, nhưng vẫn ham đọc truyện, vẫn thi thoảng ngồi viết tí này tí kia. Đơn giản chỉ là sở thích, chỉ là cách sống để thể hiện bản thân mình. Và mình may mắn vì điều đó. Khi bạn không đam mê điên cuồng với nghề nghiệp của mình, thì cũng đừng buồn. Không phải ai cũng may mắn để thực sự yêu thích việc mình đang làm cả. Chỉ cần mình thấy hài lòng, hợp và dễ chịu khi đang làm nó, đó cũng là một điều tốt rồi. Như đã nói trước đây, khi còn bé, khi hỏi lớn lên muốn là ai, mình có thể có câu trả lời rất dễ dàng, nhưng lớn lên thì không như vậy. Vì khi trưởng thành việc cân bằng giữa tinh thần và vật chất là vô cùng khó, và ở cái tuổi đôi mươi này, mình nghĩ mình k thể có 1 câu trả lời chính xác được. Bạn muốn làm nhà doanh nghiệp thành công, nhưng bạn đã kinh doanh bao giờ đâu mà biết là có thích với nó hay không. Bạn muốn làm bác sĩ, nhưng chưa bao giờ băng bó 1 vết thương cỏn con nào thì làm sao biết yêu thích việc cứu người? Vậy nên, đừng nghĩ cái bạn muốn là cái bạn thích. Hãy nghĩ theo hướng ngược lại, cái bạn thích và biến nó thành cái bạn muốn.

Còn có 1 số người t thấy ngoài đam mê với cái gọi là thành công, họ hầu như chẳng hứng thú/biết về bất cứ điều gì khác. Như vậy thì cũng đâu có gọi là thành công đâu :D Bạn không thể nói chuyện về chính trị trong khi ngồi với 1 đám đang rôm rả nhạc nhẽo, chém gió như thần được :D Mới đôi mươi, đang còn là sinh viên, đang còn trẻ và đang còn quyền để sống vui vẻ, cà chớn thì... cứ cà chớn đi. Dĩ nhiên là cái gì cũng đều phải có mức độ. Đừng dại dột như 3 thằng ngốc kéo đến tè bậy vào cửa nhà thầy hiệu trưởng là được, dù rằng nếu nghĩ đến thì đó cũng là 1 kỉ niệm đáng nhớ :)) Và quan trọng cũng đừng để đam mê của mình thành gánh nặng để ép bản thân tự tử như con trai của thầy hiệu trưởng Virut hay Raju.

Nhân vật trong bộ phim được xây dựng khá đa dạng và có tính cách rất riêng. Nếu Rancho ham học hỏi, dám suy nghĩ, dám hành động, dám hi sinh vì bạn bè. Nếu  Farhan hết lòng vì bạn, đam mê nhiếp ảnh, một người con hiếu thảo vì Raju lại là nhân vật đem nhiều nỗi sơ hãi nhất trong lòng. Sợ vì gánh nặng giàu sang, sợ vì đường đến với ước mơ đầy chông gai, sợ vì bất lực không thể thành công giúp đỡ gia đình, và thậm chí là sợ vì làm bạn mình thất vọng. Một người tình cảm, t nghĩ là vậy. Cậu hay đeo rất nhiều nhẫn và bùa, hay thắp nhang, chắp tay cầu xin thần thánh mỗi khi kì thi đến :)) Mình nghĩ cái này thì học sinh, sinh viên càng không ngoại lệ. Như mình cách đây 2 tuần cũng sống chết cầu xin thần thánh 4 phương cứu giúp cho qua môn. Ờ thì ít ra đó cũng là liệu pháp ổn định tinh thần mà. Nhưng bị ám ảnh thì thực sự không tốt tí nào. Rồi cuối cùng còn dẫn đến hậu quả phải tự tử vì thầy hiệu trưởng ép hoặc cậu nghỉ học hoặc Rancho nghỉ học. Không thể làm thất vọng gia đình lẫn tổn thương Rancho nên cậu đã chọn con đường chết. Nói vậy thôi chứ nếu mình ở đó thì cũng chẳng biết nên làm thế nào cho phải.

"Tôi đã mất 2 tháng để đứng vững trên đôi chân của mình, tôi không nghĩ thái độ của mình có thể thay đổi dễ dàng như vậy. Các ngài có thể giữ việc làm này, còn tôi sẽ tiếp tục giữ thái độ của mình."

Raju đã nói như vậy khi đi phỏng vấn việc làm. Và chính điều đó đã giúp cho Raju có được thành công mà mình mong muốn. Mình nghĩ điều may mắn nhất trong cả cuộc đời Raju và Farhan đó là gặp được Rancho. Nếu không gặp Rancho, có lẽ Farhan đã không trở thành một nhiếp ảnh gia xuất sắc, còn Raju sẽ chẳng bao giờ có được can đảm để đối mặt với hiện thực. Có thể nói là một tình bạn có 1 0 2, và đó là điều ăn điểm nhất trong mắt mình khi xem bộ phim này. Có thể Rancho chẳng hi sinh để cứu bạn bè, chẳng nói những lời khuyên sáo rỗng, chẳng nói những lời đường mật, hào nhoáng nhưng cậu là thằng ngốc mà bất kì ai trên thế giới này cũng mong muốn được làm bạn. Cậu không nói, cậu chỉ làm thôi! Và những việc cậu làm đã thay đổi số phận của biết bao nhiêu người, từ Farhan, Raju đến Sapi, thầy Virus, Mm,...... Bằng kịch bản được xây dựng cực kì tự nhiên và chân thực, bộ phim đã xây dựng được 1 tình bạn vừa bình dị, giản đơn mà lại vừa quí báu, lớn lao.

Những chi tiết hài trong phim cũng là một điểm cộng lớn. Xem đoạn Raju chụp nhầm cái hộp rỗng mà mình cười đau cả bụng. Ôi nói chung là k gây thất vọng tí nào đâu. Bạn có thể vừa cười xong, lại vừa có thể khóc ngay sau đó vài phút khi xem bộ phim này. Các nhân vật trong phim có cái hay là chẳng ai là người xấu hoàn toàn, chỉ là những thằng ngốc, 1 cô gái khờ dại theo đuổi tình yêu, hay những ông bố, bà mẹ yêu thương con mà trở nên ngốc nghếch.

Mình thích những lời thoại trong phim. Những bài học trong phim được lồng ghép cực kì tự nhiên, làm người xem phải "à" lên 1 tiếng khi nó xuất hiện.

"Thưa thầy, em không dạy về cơ khí, vì thầy là chuyên gia về lĩnh vực này. Em chỉ vừa dạy thầy cách phải dạy như thế nào thôi."

Rất ngông, rất liều và cũng rất đãng ngưỡng mộ. Khi xem phim bạn sẽ cảm nhận thấy những điều mình luôn muốn mà k dám làm ở Rancho.

Đúng như mình vẫn nghĩ, thiên tài có thể là những người kiệt xuất nhất, nhưng không thể phủ nhận rằng họ cũng là những kẻ ngốc nghếch nhất thế gian này. Là những kẻ ngốc đến nỗi chẳng thèm nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ, không thèm nghe lời mọi người nói "mọi chuyện đều là vô vọng thôi, đừng cố gắng nữa", thậm chí chẳng thèm quan tâm đến nhận xét đánh giá của xã hội. Kiếm được ít tiền thì sao, nghề nghiệp không có chỗ đứng lớn trong xã hội thì sao? Chỉ cần có đam mê và thái độ đúng mực với nó là được mà.

Vậy này, bạn của tớ, cậu có phải là kẻ ngốc không? :D

Tổng kết: 9/10

Bài đăng phổ biến