[Review] Mùa thu của cây dương - Kazumi Yumoto

Cách đây 2 tháng, mình có đi lễ hội sách tổ chức trên thư viện Hà Nội. Mùa thu của cây dương là 1 trong 4 quyển sách mình mang về nhà ngày hôm đó và cũng là tác phẩm thứ hai của Kazumi Yomoto mình đọc. Với ấn tượng sâu sắc dành cho Khu vườn mùa hạ, mình đã rất kì vọng vào quyển này, và thật may mắn là tác giả đã không làm mình thất vọng.



Câu chuyện là sự hồi tưởng của nhân vật nữ chính Chiaki về tuổi thơ của mình và những khó khăn mà cô gặp phải trong cuộc sống hiện tại. Cuộc hành trình tìm về quá khứ ấy luôn xoay quanh cái chết của bố Chiaki, nhưng sắc màu bao trùm cả tác phẩm lại không phải tang thương, tuyệt vọng mà là màu nắng chiều ấm áp, hoài niệm và chút trong trẻo. 

Mình luôn nghĩ trái tim của con nít dễ tổn thương nhưng lại có một sức mạnh đáng ngạc nhiên trong việc tìm lại hi vọng và cái đẹp của cuộc sống hơn là người lớn. Với Chiaki cũng vậy, sự kết thúc cũng chính là sự khởi đầu. Khi dọn khỏi ngôi nhà cũ, bước lên một chuyến tàu không biết điểm đến, đi trên con đường không biết tên, có lẽ mẹ con Chiaki không thể ngờ rằng sẽ có được gặp gỡ kì diệu như vậy. Chính sự tình cờ đã dẫn họ đến trang viên Cây Dương - nơi mà sau này sẽ đem lại cho cả hai con người đáng thương ấy một chốn bình yên, một khoảng thời gian đẹp đẽ và đáng nhớ hơn bao giờ hết. 

Chủ khu nhà trọ ấy là một bà lão có khuôn mặt hơi đáng sợ, ưa sạch sẽ, kĩ tính và luôn sẵn sàng bình thản đón chờ cái chết của bản thân mình. Mối liên hệ giữa bà và Chiaki bắt đầu gần gũi hơn khi bà nói cho cô bé biết một bí mật, rằng bà sẽ là người đưa thư đến thiên đường. Phải nói thêm, mình luôn luôn thích các ý tưởng và suy nghĩ của các nhân vật trong truyện của Yumoto-sensei. Sau khi chết, sẽ đem những lá thư của những người mất đi người thân lên thiên đường và giao cho họ quả là 1 ý tưởng tuyệt vời, nhất là khi đối tượng được đề nghị lại là 1 đứa trẻ mới mất bố. Đó là 1 liêu thuốc tinh thần và cũng là một động lực để Chiaki có thể dần lại bình tâm khi nghĩ về cái chết của bố và thả lỏng, bỏ bớt gánh nặng trong lòng hơn. 

Cuộc sống cứ thế trôi qua. Dưới bóng cây dương ấy, bao nhiêu buồn vui, hạnh phúc, đau khổ diễn ra. Từ một người có phần đáng sợ, kì dị, bà cụ dần trở thành chỗ dựa tinh thần cho Chiaki. Mình rất ấn tượng câu nói này của bà (đại ý là)

"Sống đến khi cháu trưởng thành, nghĩ vậy cũng đủ làm ta sợ rồi. Nhưng cứ thử xem sao."

Một người luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của mình, nhưng cuối cùng vẫn cố gắng sống đến tận khi Chiaki trưởng thành. Vậy mà suốt từng ấy năm, cô đã không về thăm bà lần nào. Cô đã lớn lên, đã không còn tin vào câu chuyện người đưa thư lên thiên đường, nhưng bà vẫn giữ lời hứa và an táng cùng những lá thư của cô. Cuộc sống hiện tại của Chiaki đau khổ là thế, vậy mà cũng  nhờ bà, cô lại một lần nữa tìm được ánh sáng cho tương lai của mình, dù cho cái giá phải trả là quá đắt.

Mình thích truyện của Yumoto sensei cũng vì thế. Kết thúc của một thứ cũng chính là khởi đầu của một điều tốt đẹp hơn. Dù có mất đi những người yêu thương thì quan trọng nhất vẫn là những gì họ để lại cho ta trong quá khứ. 

Có một câu thế này : Con người không thể có tương lai nếu không có quá khứ. 

Dù đau buồn đến đâu, quay lưng ngoảnh lại vẫn có một điều gì đó, với mình vậy là hạnh phúc rồi.



P/S:

Cảm ơn Yumoto-sensei vì câu chuyện ý nghĩa và sâu sắc này. 
Không hiểu sao mấy hôm nay, từ khi đọc xong đêm nào mình cũng khóc. Có lẽ vì mình cũng khá giống với Chiaki, đều mất đi 1 người quan trọng với bản thân. Đến bây giờ mình vẫn không bao giờ tha thứ cho bản thân vì không quay về thăm người trước lúc qua đời. Thậm chí mình còn chẳng nhớ nổi bất cứ kỉ niệm nào với người, vậy mà cảm giác đau đớn trong tim cứ mãi không nguôi. Chẳng biết lúc người ra đi, có còn nhớ tới sự tồn tại của một đứa như mình không? Hi vọng là không, như vậy sẽ bớt cô đơn và tịch mịch hơn.....

Bài đăng phổ biến