[Review] Mười người da đen nhỏ & Án mạng trên sông Nile - Agatha Christie

Dạo này mình đang chuyển qua nghiên cứu truyện của Agatha Christie. Mới đọc được 2 quyển Án mạng trên sông Nile, Mười người da đen nhỏ và đang đọc dở Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông. Đang còn nhớ nên tạm thời quick review luôn.


Trước nay mình hợp với văn phong của các tác giả châu Á hơn nên rất ngại đọc truyện phương Tây. Nhưng truyện Tàu dạo này viết nhiều quyển dởm quá, không nuốt được nên chuyển qua đọc thử Agatha xem sao. Truyện Tây thì trước đó mình có đọc Sydney nhưng mà không thích, kiểu xây dựng tình huống cứ làm quá lên kiểu gì ấy. Đọc xong Nếu còn giấc mơ, cứ thấy tên Syney Sheldom là tránh xa. Sự im lặng của bầy cừu thì mình coi phim rồi nên cũng ngại đọc sách (chính xác là chưa có tiền mua và không biết mượn đâu). Còn Dan Brown thì đọc đâu được 3 quyển nhưng mà quên sạch rồi. Truyện lồng ghép cả tôn giáo và giời ơi đất hỡi hàng đống kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử,.... nên đọc rất hại não. Mình thấy Mật mã Da Vinci là ổn nhất rồi, còn mấy quyển khác không đặc sắc bằng. Có cái quyển Pháo đài số tự dưng quăng mối tình thầm lặng, tội lỗi nhưng đầy cao thượng của ông sếp với nữ chính vào làm hư cấu hết biết, mất cả cảm tình. Mình ngại đọc truyện phải dùng não mà lấn chuyện tình yêu vào như này lắm.

Agatha được mệnh danh là nữ hoàng truyện trinh thám, với lại fan truyện trinh thám trên Hội recommend nhiệt tình nên mình rất kì vọng. Bản sách của mình là của NXB Trẻ, dịch khá mượt, hình thức ổn.

Án mạng trên sông Nile là một tác phẩm tiêu biểu của Agatha với sự suất hiện của vị thám tử Poirot thường thấy trong các truyện của bà. Có vẻ như style viết của Agatha là đi từ khái quát vào chi tiết, khác với cách viết của bên Tàu bám sát nhân vật chính. Nửa đầu truyện đọc sẽ rất mệt vì có rất nhiều tuyến nhân vật với lẫn lộn tình cảm, tâm tư, tính toán, âm mưu của riêng họ đối với nạn nhân. Bà miêu tả chi tiết từng người một, lồng ghép khéo léo những chi tiết nút thắt để đến tận cuối cùng mọi chuyện mới được làm rõ. Tư duy xây dựng truyện của bà cũng khá phổ biến ở phương Tây khi bám vào việc tổ chức hành vi gây tội một cách logic và tinh vi nhất, dẫn dắt người đọc đi vòng vo cho đến những trang cuối mới làm sáng tỏ tội phạm [Truyện của Lôi Mễ thì trái ngược hoàn toàn, lộ diện hung thủ trước rồi mới lật ngược lí do giết người].

Không biết có phải do cách biệt thế hệ không mà mình thấy lí do gây án tương đối... tầm thường. Động cơ của tội phạm đối với mình không đủ sức mãnh liệt để gây ra hàng loạt vụ giết người như thế. Dĩ nhiên nhưng cái chết về sau chỉ là do bất đắc dĩ, đâm lao phải theo lao nhưng mình thấy không thoả đáng lắm. Còn lại thì mọi thứ đều viết rất tốt, được đầu tư kĩ lưỡng. Chỉ có một chi tiết mình không hiểu làm cách nào thủ phạm bắn mà lại không gây ra tiếng tí nào được thế nhỉ, kể cả khi có bịt băng khăn rồi? Xem phim thì thấy chí ít cũng phải có bộ phận giảm thanh mà trong khi tàu lại vào ban đêm yên tĩnh như thế. Với cả sau khi bị thương làm sao thủ phạm rời đi nhanh chóng và không bị vẩy máu trên đường đi như thế? Chắc có khi mình đọc lại một lần nữa mới hiểu được.

Mười người da đen nhỏ là một trong những kiệt tác của Agatha. Bộ này không theo lối mòn thông thường là cuộc chiến giữa thám tử và tội phạm mà phơi bày toàn bộ kế hoạch giết người tinh vi và cách những nạn nhân quằn quại tìm lối thoát trong vô vọng. Toàn bộ vụ án được làm dựa theo một bài đồng dao Mười người da đen nhỏ ứng với mười nạn nhân. Họ sẽ dần chết gần như giống hệt theo cách bài đồng dao miêu tả. Đây cũng là một trong những tác phẩm trinh thám hay nhất mình từng đọc. Cách viết và xử lý tình huống rất gọn ghẽ, thuyết phục. Chỉ có một chi tiết mình không hiểu, đó là khi giám định thời gian chết thì nhẽ ra cảnh sát phải phát hiện ngay ra điểm bất hợp lý chứ nhỉ? Hay là do hồi đấy kĩ thuật pháp y vẫn chưa được phát triển lắm? Mà lẽ ra cái đám ngươi đó thấy sợ hãi thì phải quây cụm vào nhau chứ sao lại cứ tách riêng mỗi người một phòng như thế, chết dần là phải.

Bộ này rất hay, ngay cả động cơ gây án cũng thuyết phục. Đúng là thiên tài cũng chính là những thằng điên nhất. Mục đích là để trừng trị những kẻ giết người nằm ngoài vòng pháp luật. Có vẻ điều này làm cảm hứng cho rất nhiều bộ truyện và phim nổi tiếng sau này như là Kokuhaku, Death note,..... Dù vô tình hay cố tình, giết người thì vẫn là giết người, nhất là khi trong thâm tâm họ không chịu thừa nhận mình đã gây ra lỗi lầm. Có điều việc lừa được cả 10 người, đi cả một quãng đường xa như thể đến đảo thì mình thấy hơi hên xui quá. Cả vụ thắt cổ cuối cùng cũng rất hên xui, nếu cô ta quyết tâm không tự tử thì hung thủ định làm thế nào? Nhưng bỏ qua những chi tiết này thì đây quả là một tác phẩm xuất sắc của thể loại trinh thám, nhiệt liệt đề cử.

Mình nhớ không nhầm Conan cũng có một vụ dựa theo bộ này thì phải. Nói chung truyện của Agatha nên đọc liền một mạch từ đầu đến cuối chứ không là quên sạch vì quá nhiều tuyến nhân vật.

Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông là một trong số những truyện xuất sắc nữa của Agatha. Nếu xét về mức độ yêu thích của mình và twist thì mình xếp 10 người da đen > Tàu > Sông.
Đây cũng là một quyển đọc khá dễ chịu tuy lượng nhân vật và thông tin vẫn khiến mình cảm thấy bị overload để theo kịp tư duy của tác giả. 

Bài đăng phổ biến