[Review] Phương trình hạ chí - Higashino Keigo
Phương trình hạ chí là quyển sách thứ 3 mình đọc được trong dịp Tết này. Thật buồn cười bởi vì quyển này mình mua từ tận tháng 1 năm 2019, nghĩa là cách đây tận 2 năm mà đến tận bây giờ mới lôi ra đọc.
Nằm trong series Galileo, Phương trình hạ chí có sự xuất hiện của nhà vật lý tài ba Yukawa. Mình vốn rất tệ trong khoản nhớ tên Nhật Bản nên đọc mãi 1 lúc sau mình mới nhận ra nhân vật này đã từng xuất hiện trong Phía sau nghi can X. Trong bộ này, Yukawa nhận được lời mời tham dự một hội nghị nhằm thăm dò, khai thác tài nguyên tại vùng biển, thị trấn Harigaura và rồi tình cờ bị cuốn vào một vụ giết người bí ẩn.
Văn phong và cách dẫn dắt câu chuyện của Keigo thì vẫn cuốn hút và hợp gu mình như vậy. Mình thích cách bác ấy triển khai từng chi tiết, từng câu chuyện nhỏ xung quanh các nhân vật để rồi ghép chúng lại thành 1 bức tranh tổng thể cuối cùng. Cách viết này nói là ưu điểm thì cũng không hẳn. Với người đọc thiếu kiên nhẫn thì họ sẽ dễ cảm thấy nản, có suy nghĩ: "Sao lan man thế? Sao tự dưng lại kể mấy chi tiết chẳng liên quan gì như thế này nhỉ?" Ví dụ như việc chơi pháo hoa, bức tranh bí ẩn, thí nghiệm trên bãi biển, tài nghệ của chủ nhân khu nhà khách,.... Nhưng với những người như mình - vì quá thích văn phong mềm mại và thú vị của tác giả mà sinh tò mò, kiên nhẫn đọc cho đến cuối cùng thì cách viết này là một điểm cộng cực lớn. Mặc dù truyện rất dày so với một bộ án có động cơ và cách thức gây án tương đối đơn giản nhưng mình vẫn thấy thỏa mãn và hài lòng. Nếu có điều gì khiến mình hơi lấn cấn thì có lẽ đó là động cơ gây án. Còn lại mọi thứ đều rất ổn, rất đáng đọc.
Mình rất thích những đoạn hội thoại giữa Yukawa và cô con gái của chủ trọ Lục Nham Trang về môi trường. Con người ta không thể khăng khăng đòi hỏi việc bảo vệ môi trường 100% trong khi nhu cầu về phát triển kinh tế vẫn còn đó. Một khi đào bới tài nguyên thì tất yếu sẽ có tổn thất về môi trường. Vấn đề ở đây là con người ta chịu đánh đổi bao nhiêu, và làm thế nào để hạn chế tổn thất đó ở mức thấp nhất. Mà để bảo vệ thiên nhiên 1 cách đúng đắn và hiệu quả thì hiểu về rừng sâu, biển bạc không là chưa đủ mà còn phải nắm rõ kiến thức cả về những công nghệ khai thác tài nguyên. Mình thì vốn là người yêu tự nhiên nhưng thực ra hơi khó chịu với những ai có thái độ thù địch một cách quá khích với công nghệ. Quan trọng giải pháp đưa ra là gì để cân bằng cả 2 bên chứ không phải 1 bên thì gào thét, biểu tình còn 1 bên thì lờ lớ lơ đi mọi quan điểm từ đối phương. Ngoài ra thì đoạn hội thoại giữa Yukawa và cậu bé Kyohei về khoa học cũng rất thú vị.
Chủ đề về gia đình và tình cảm giữa người và người cũng là một điểm sáng trong truyện. Đúng là cha mẹ dù có thế nào cũng sẽ cố gắng làm mọi điều tốt nhất cho con cái, mặc cho cái giá phải đánh đổi là quá đắt. Sự hi sinh thầm lặng, dù đau lòng nhưng không uổng phí. Đọc đoạn cuối lúc Yukawa nói mình thấy xúc động khủng khiếp: "Việc của..là từ giờ hãy sống một cuộc sống thật ý nghĩa." (xin phép giấu tên và viết đại khái để tránh spoil). Bất giác, trong lòng mình cũng bật lên suy nghĩ: "Thật biết ơn vì được sinh ra trên đời này. Mình nhất định sẽ sống thật tốt." Có lẽ vì đọc vào đầu năm - cái thời điểm con người ta nhìn lại bản thân nên mình mới nhạy cảm vậy. Nhưng cũng vì thế mà Phương trình hạ chí trở thành 1 trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm nhất của Keigo trong lòng mình.
Nói tóm lại thì đây là một tác phẩm rất ổn của Keigo. Mình thấy hơi mệt khi cứ quyển nào của bác xuất bản là thiên hạ lại đem nó so sánh với Phía sau nghi can X. Dù biết đấy là tâm lí không thể tránh khỏi nhưng mà trời ơi mỗi quyển có cái hay riêng mà. Về yếu tố trinh thám, bộ này hay Ác ý có thể không bằng nhưng về yếu tố xã hội, tinh thần truyển tải thì mình lại thích hai bộ này hơn.
Tổng kết: 9/10 nha các bạn.