[Review] Sa môn Không Hải thiết yến bầy quỷ Đại Đường - Baku Yumemakura
Vậy là ngay trước thềm năm mới mình đã kịp hoàn thành xong bộ sách 4 quyển này - Sa môn Không Hải thiết yến bầy quỷ Đại Đường. Bộ này thì mình random mua trong 1 lần đi hội sách lúc cảm thấy thèm mua một bộ sách mới nên cũng không quá kỳ vọng, ai dè hay bất ngờ luôn. Đã khá lâu rồi kể từ thời Đóa bạch liên ấy thật xinh đẹp, mình mới tìm được một bộ khá ưng ý như thế này. Mặc dù tác phẩm này cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều nhưng với mình thì mọi thứ đều ổn, thú vị.
Truyện kể về một nhân vật có thật ngoài đời là nhà sư Không Hải và chuyến hành trình của ngài khi vượt đường biển từ Nhật Bản xa xôi tới Trung Quốc Đại Đường để thỉnh kinh. Nói một cách nôm na dễ hiểu thì Không Hải cũng như Đường Tăng vậy, được nước nhà cử đi với một "hợp đồng du học" 20 năm nhằm lấy được giáo lý Mật Tông (1 nhánh của Phật giáo) từ đại cao tăng Huệ Qủa. Theo đó, Không Hải sẽ bắt buộc phải ở lại nước Đường 20 năm mới được quay trở lại Nhật Bản, bất kể việc học có thể hoàn thành sớm hơn. Dẫu vậy, bằng tài năng phi phàm của mình, Không Hải lại chỉ cần vỏn vẹn 1 năm để hoàn thành nhiệm vụ này. Trong suốt thời gian này, bên cạnh việc học hành, ông còn hóa giải được những chuyện kì quái và tìm được sự thật đằng sau bí mật kinh thiên động địa của triều đại nhà Đường vốn được chôn vùi cách đây 50 năm.
Bối cảnh truyện được đặt tại Trường An, vào thời kỳ hưng thịnh của triều đại nhà Đường. Các nhân vật trung tâm trong truyện đều là những cái tên vô cùng quen thuộc với những ai có hiểu biết sơ qua về Trung Hoa cổ đại: Đường Huyền Tông, Dương Qúy Phi, Lý Bạch, Dương Quốc Trung, Cao Lực Sỹ, Hàn Dũ, Bạch Lạc Thiên,.... Các nhân vật có thật trong lịch sử được kết nối với nhau trong một câu chuyện có thật. Ấy vậy nhưng Baku Yumemakura, bằng sự sáng tạo và chặt chẽ trong lối kể chuyện, đã khéo léo biến những câu chuyện lịch sử nhàm chán trở nên thú vị và mới mẻ vô cùng với những yếu tố kỳ ảo, tình tiết phiêu lưu gay cấn. Một con mèo đen biết nói đột nhiên xuất hiện, thao túng vợ chồng một viên quan và gây ra biết bao tai ương tại ngôi nhà đó. Một cô ca kỹ trứ danh đột nhiên bị bỏ bùa chú, không thể cử động được bàn tay mình. Những tiếng thì thầm nói chuyện kì bí vang lên từ lòng đất của một cánh đồng bông mênh mông. Rồi sự xuất hiện của một vị tiên ông bí ẩn và cả những phép chú thuật đánh lừa tâm trí con người.... Tất cả mọi thứ đã khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn bao giờ hết. Quan trọng là các chi tiết kì ảo này được đưa vào vô cùng hợp lý, có tính logic cao ấy. Nên bản thân mình đọc không có cảm giác bóp méo lịch sử, khó chịu, lợn cợn trong lòng tí nào. Đây là một điểm mình đánh giá cực cao ở tác phẩm này.
Thứ hai, văn phong của tác giả rất chau chuốt, đọc vô cùng dễ chịu. Ai theo dõi blog mình lâu cũng biết mình rất thích những tác phẩm nào có cách viết mượt mà, uyển chuyển rồi. Khi đọc mình hoàn toàn có thể tưởng tượng ra không khí sôi động nhưng cũng rất thơ, rất phong lưu của thành Trường An thủa đấy. Mùa xuân với cỏ thơm xanh mướt, hoa mẫu đơn bung nở trên khắp mọi neỏ đường. Ngọn gió thổi qua khiến tà áo tung bay cũng có thể tạo nên một bức tranh đầy chất tình. Từ trước đến nay, trong các tác giả Nhật Bản, có lẽ chỉ có Keigo và Baku là có cách viết hợp mình đến vậy. Ngoài ra, các đoạn hội thoại giữa các nhân vật cũng là một điểm sáng của tác phẩm. Mặc dù mình đọc qua thấy nhiều người chê nhưng riêng mình lại thích. Không Hải có cách đối đáp tưng tửng, điểm nhiên nhưng lại rất "vừa đủ". Cái sự "vừa đủ" này nghĩa là không thể hiện cảm xúc cá nhân ra ngoài, không đủ để đối phương nắm bắt được tâm tư mình nhưng vẫn truyền tải được những ý cần nói. Đọc những đoạn Không Hải nói chuyện với Dật Thế vừa tức mình, vừa buồn cười. Tức là vì nếu mình là Dật Thế chắc cũng khó chịu lắm với kiểu úp úp mở mở, tưng tửng của Không Hải. Còn buồn cười là vì nói tới nói lui một hồi, Dật Thế vẫn không thể nào phản bác được lời của Không Hải. Cái này có lẽ mọi người phải đọc thì mới hiểu rõ được điều mình nói. Chỉ nói thêm là trong truyện có 2 đoạn hội thoại mình thấy cực kỳ xuất sắc: đó là cuộc đấu trí của Đan Ông với Không Hải và với vị sư của Thanh Long Tự. Đọc rồi lại càng thấm thía khả năng tri phối tâm trí của ngôn từ nó mạnh mẽ và khủng khiếp đến nhường nào.
Thứ ba, nói qua một chút về Không Hải. Ngay từ khi ở Nhật Bản, ông đã tập trung học và sử dụng thành thạo chữ Hán, trình độ ngang với những bậc thi nhân huyền thoại của Trung Quốc như Lý Bạch, Bạch Lạc Thiên... Kiến thức về văn thơ, lịch sử, văn hóa Đại Đường thì thậm chí còn sâu rộng hơn bất kì người Trung Quốc nào. Không những thế trong 1 năm tại Trung Quốc, ông còn nhanh chóng nắm bắt và sử dụng thành thạo thêm tiếng Phạn. Tuy nhiên việc ông giỏi như thế nào không làm mình kinh ngạc bằng khả năng nhận diện vấn đề, lên kế hoạch và thực thi kế hoạch của ông. Mục tiêu cuối cùng của Không Hải là nắm được giáo lý Mật Tông. Để làm được điều đó, ông đã sớm nhận ra mình phải làm chủ được cả chữ Hán, chữ Phạn,... và ông không hề chờ đợi đến khi sang Trung Quốc mới bắt đầu học những thứ đó. Không Hải đã nhìn được cốt lõi vấn đề và có những bước chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Có một đoạn đại khái thế này: Khi được hỏi lý do vì sao không nhanh chóng sang Thanh Long Tự để gặp tông sư Huệ Qủa học giáo lý mà cứ bình thản đi đây đi đó, học tiếng Phạn, làm thơ thì Không Hải đã trả lời rằng: Mọi việc sẽ tiến triển nhanh hơn khi hai bên ở thế sẵn sàng chứ không phải thúc giục nhanh nhanh. Vội vã cũng không giải quyết được vấn đề gì. (Đoạn này trong truyện viết hay lắm mà để tránh spoil nên không quote ở đây.) Truyên cũng có khá nhiều các chi tiết nói về tư tưởng Phật Giáo, ai không thích đọc sẽ thấy hơi mệt lòng vòng. Nhưng mình thì tuy giờ vẫn chưa hiểu hết 100%, nhưng những gì hiểu được rồi thì thấy thấm thía lắm. Cực kì đáng đọc nghe mọi người!
Nếu có điểm gì mình thấy hơi lấn cấn với bộ này thì đó là có 1 vài chi tiết hơi gây shock. Mình đọc đoạn cuối nói về Dương Qúy Phi mà giật cả mình. Với cả đoạn kết cũng hơi hụt hẫng 1 xíu vì xử lý nhanh quá. Nhưng mà đọc lại thì cũng thấy hợp lý. Gieo nhân nào gặp quả ấy, ân oán khi xưa cuối cùng do chính những người trong cuộc tự tay chấm dứt bằng một cách vô cùng thảm khốc, đáng buồn. Lịch sử qua đi rồi nhưng những đau buồn của bao kiếp người từ cả nghìn năm trước sẽ vẫn còn mãi nơi đây, trên từng trang sách và trong lòng của những độc giả.
Túm lại mình cho 9.5/10 điểm. Một trong những tác phẩm văn học Nhật Bản tâm đắc nhất đối với mình! Highly recommend nha ~