[Review] Cánh Kỳ Lân - Keigo Higashino
Đây là tác phẩm mới nhất của Keigo sensei được xuất bản tại Việt Nam. Mình order trước và chờ ròng rã gần 2 tuần trên tiki thì hàng mới tới tay. Tuy nhiên với nội dung xuất sắc và đáng nhớ của tác phẩm thì việc chờ đợi vẫn là cực kì xứng đáng.
Truyện bắt đầu với vụ án mạng xảy ra ngay giữa trung tâm thủ đô Tokyo náo nhiệt. Một người đàn ông bị dao đâm giữa ngực nhưng không hề tìm kiếm sự giúp đỡ của cảnh sát mà chỉ cố lê bước về phía bức tượng kỳ lân để rồi gục chết ngay bên cạnh nó. Một kẻ thất nghiệp bỗng trở thành nghi phạm khi bị phát hiện cầm cặp sách chứa ví tiền của nạn nhân. Đáng tiếc hắn lại bị bị xe đâm bất tỉnh nhân sự trong lúc bỏ chạy khỏi cảnh sát. Cuộc điều tra của cảnh sát gần như đi vào ngõ cụt khi vụ án thiếu quá nhiều thông tin, dữ kiện cần thiết. Tuy nhiên bằng sự kiên trì và trí thông minh tuyệt vời của mình, Kaga - vị cảnh sát quái kiệt đã tìm ra được hung thủ cũng như động cơ thực sự gây ra cái chết của nạn nhân.
Trước hết thì Cánh kỳ lân là 1 trong những tác phẩm mình thích nhất của Keigo bên cạnh Namiya, Bạch dạ hành, Ác ý và Nghi can X. Nếu với các tác phẩm khác, những fan trinh thám đôi khi cảm thấy không hài lòng với việc yếu tố tâm lý quá lấn át thì mình tin với tác phẩm này, họ sẽ cảm thấy thỏa mãn với yếu tố trinh thám được Keigo xây dựng. Vẫn giữ nguyên phong cách lồng ghép vụ án vào vụ án, đằng sau sự việc bề nổi lại là một câu chuyện lớn và phức tạp hơn, Cánh kỳ lân dẫn dắt người đọc đi ngược về quá khứ để giải bài toán của hiện tại. Điểm mình thích ở tác phẩm này chính là việc các yếu tố ngẫu nhiên được tác giả hạn chế ở mức có thể chấp nhận được. Mặc dù biết tội phạm bao giờ cũng sẽ để ra sơ hở gì đó nhưng những sự kiện quá tình cờ thường thấy trong các truyện/phim trinh thám luôn làm mình rất bất mãn, khó chịu :))) Ví dụ như xé vé để giấu lịch trình đi lại nhưng lại làm rớt 1 mảnh quan trọng trong xe, rồi kiểu dùng một tấm ảnh hồi bé đi hỏi nhân chứng/người có liên quan nhận diện thủ phạm thì mình cũng chịu, không thẩm thấu nổi. Ở tác phẩm này thì cũng có 1 chút tình tiết hơi tình cờ nhưng mà lí do giải thích hợp lý nên mình chấp nhận được. Động cơ của thủ phạm cũng khá thuyết phục, không có cảm giác bị nghiêm trọng hóa, làm quá vấn đề như 1 số tác phẩm khác. Cách thức tiến hành thì đơn giản, không có gì cao siêu cả. Cái hấp dẫn của vụ án này đơn thuần chỉ là động cơ mà thôi. Với 1 đứa có gu đọc truyện trinh thám khá dễ dãi, ít xét nét như mình thì về yếu tố trinh thám thì mình chấm 8.5/10.
Tiếp theo, về yếu tố tâm lý xã hội được truyền tải trong truyện mình xin phép được cho 9.5/10. Tương tự như Ác Ý, đây là tác phẩm khiến mình có ấn tượng sâu đậm nhất về câu chuyện nhân văn được truyền tải. Có thể nói đây là tác phẩm trinh thám dễ đọc, đời thường nhất của Keigo từ trước đến nay. Dễ đọc không chỉ vì cách hành văn dễ hiểu, động cơ và cách gây án đơn giản mà còn ở tâm lý không vặn vẹo của nhân vật. Thật hiếm có tác phẩm nào mà tất cả các nhân vật trong truyện của sensei không có ai bị điên điên, khùng khùng, méo mó ở mặt nào đó như thế này =))). Chính vì thế khi đọc mình thấy có sự đồng cảm rất cao, cảm nhận được rất rõ tâm lý của từng nhân vật. Như là sự tuyệt vọng xen lẫn hi vọng le lói về một cuộc sống tốt đẹp hơn của hai thanh niên trẻ trong căn nhà trọ chỉ vỏn vẹn 15m2. Hay sự quan tâm vụng về, cứng nhắc của người cha dành cho con mình. Cả sự sợ hãi của những đứa trẻ nhỏ khi làm ra chuyện sai lầm và tìm cách sửa sai... Câu chuyện vì thế mà lại càng có ấn tượng sâu đậm hơn hẳn. Thực sự khi đọc đến câu chuyện nghìn con hạc và biểu tượng Kỳ lân có cánh mình bị xúc động khá mạnh. Mình cũng thích Kaga hơn là Yukawa vì anh có cách tư duy và hành xử đậm chất "người" hơn hẳn.
Túm lại đây là một câu chuyện cực kì nhân văn và rất đáng đọc nhé mọi người. Với mình thì nó xuất sắc ngang với Ác ý nhưng là 1 version đời thường hơn và không hề nặng nề tâm lý như các tác phẩm khác của Sensei.
Tổng kết: 9.5/10