14/11/15

[Review] Câu chuyện huyền thoại Kpop - Phần I: Sự nghiệp âm nhạc của DBSK

Sắp đến lễ kỉ niệm 12 năm ra mắt của DBSK nên mình muốn viết gì đó, coi như là đúc kết tình cảm trong suốt sự nghiệp 9 năm làm fan của mình. (Sau này thi thoảng mình sẽ dần dần viết về các huyền thoại Kpop cho những ai muốn tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Kpop nếu cần.)


DBSK hay còn gọi là DBSG, TVXQ là một nhóm nhạc Hàn Quốc trực thuộc  SM Town, debut năm 2003 và được coi là nhóm nhạc mở đầu thế hệ thần tượng thứ 2. Nhóm ra mắt tại Nhật năm 2005 với tên gọi THSK, trực thuộc AVEX. Trải qua gần 12 năm hoạt động với biến cố lớn nhất là 3 thành viên tách nhóm năm 2010, DBSK vẫn giữ vững vị thế của mình là những ông vua Kpop cho đến tận khi 4/5 thành viên nhập ngũ trong năm 2015. Quãng đường phát triển và những thành tích họ đạt được mọi người có thể tìm hiểu kĩ càng trên wiki. Mình chỉ tổng quan lại với tư cách là 1 fan và cũng là 1 người nghe Kpop lâu năm mà thôi.

Trong suốt 12 năm, DBSK đã ra mắt 16 album studio: 8 album Hàn và 8 album Nhật chưa kể 9 live albums và 3 album tổng hợp. Âm nhạc của họ thường thay đổi theo xu hướng nhưng phong cách trình diễn và hát thì khá nhất quán. Nhạc của DBSK khá kén người nghe nếu so với các nhóm nhạc khác. Thế mạnh của họ là acapella và dance. Khác với những nhóm nhạc idol, DBSK nổi tiếng vì khả năng hòa âm hoàn hảo với những ca khúc trữ tình và hát live xuất sắc ngay cả với những ca khúc dance đòi hỏi kĩ thuật cao. Rất nhiều huyền thoại âm nhạc và ca sĩ nổi tiếng nói rằng: Sẽ không có 1 nhóm nhạc nào hoàn hảo như DBSK. Việc đáp ứng được cả hát, cả dance, cả trình diễn ở Hàn từ năm 2000 trở lại mình chỉ thấy có BoA và DBSK thôi. (Shinee hát live cũng rất tốt nhưng không hiểu sao nhóm này mãi không bật lên được hàng top).

Trước hết nói về pop ballad. Ở Hàn thì mình thích nhất giai đoạn 2006 trở về trước, điển hình là các ca khúc: Hug, Holding back the tears, I'll be there, Magic Caslte, Little princess,... Không hiểu vì sao nhưng giai điệu của những bài hát giai đoạn này có cái chân thành, giản dị, sâu lắng, không cường điệu khiến mình vô cùng cảm động. Khi nghe lúc nào mình cũng tưởng tượng đến cái thời nghèo ngèo, khổ khổ ngày xưa với nắng, với mây, với gió, với những tình cảm trong sáng và giản đơn nhất. Hoàn toàn không chút vướng bụi tạp của cuộc sống đô thị hiện nay. Ở Nhật thì mình thích giai đoạn 2007-2009. Ở Nhật, 70% các ca khúc nổi tiếng nhất của họ đều là pop ballad, ví dụ như: Why did I fall in love with you, Stand by you, Forever love, Proud, Lovin you,.... Các ca khúc tiếng Nhật thì tùy bài, có lúc Junsu là main (Asuwa kuru kara), có lúc Jaejoong là main (Lovin you), về sau thì càng phân bổ đều đặn cho các thành viên hơn. 

Cách hát của họ cũng thể hiện rất rõ phong cách acapella kể cả là pop hay dance. Nếu các nhóm nhạc khác thường chia đoạn, chia câu cho từng thành viên hát riêng rẽ thì DBSK luôn tập trung vào hòa âm. Chính vì vậy khi nghe các ca khúc của họ thường có cảm giác âm vang, dội hơn bình thường vì 5 thành viên đảm nhận những tông giọng khác nhau để bè cho người hát chính. Cũng lí do này nên mình thường nói DBSK thực ra không bị lệch vocal như các nhóm khác vì các thành viên đều hát bè chứ không được nghỉ ngơi xơi nước khi hát xong câu chính của mình. Kĩ năng hát live của họ thì mình không muốn nói thêm nữa, cái này ai cũng công nhận họ là nhóm nhạc có thể nhai nát cả đĩa khi trình diễn rồi. 

Sau này khi tách nhóm, việc mất tới 2 main vocal khiến cho việc trình diễn các ca khúc ballad trở nên khó khăn hơn nhiều đối với DB2K. Yunho buộc phải luyện tập nâng cao quãng giọng nên khi thực hiện high note của Jaejoong, nhiều khi người nghe sẽ thấy giọng anh hơi chóe chóe, cảm giác như có một bức tường phá mãi không đổ được. Tuy kĩ năng hát tăng lên rõ rệt nhưng mình lại thích cách hát của Yunho hồi còn 5 người hơn. High note của anh hồi đấy rất ấm và vang vì độ cao phù hợp với chất giọng, ví dụ như trong: I'll be there, One, Remember, Picture for you.... Nhiều người nghĩ rằng Yunho hát tệ nhưng thực tế thì anh chỉ là tệ nhất trong nhóm mà thôi. Yunho thuộc dạng không có giọng hát đẹp trời ban nhưng kĩ thuật thì lại rất tốt, lấy hơi rất vững, biết phá nhược điểm để mở rộng cách hát đa dạng, nhiều chiều hơn. Có rất nhiều ca khúc của DBSK như mình kể trên, high note duy nhất trong bài đều được Yunho đảm nhiệm. Đấy là chưa kể đến sau này anh buộc phải thực hiện các high note của Jaejoong còn Chang Min thì thay phần của Junsu. Giai đoạn 2011-2015, DB2K có một số ca khúc pop ballad nổi bật như là: How can I, How are you, Calling, Still, One more time,.... Còn JYJ với việc có tới 2 main vocal và Yoochun chuyên trị giả thanh thì việc thực hiện các ca khúc ballad không có gì là khó khăn cả, ví dụ như: W, Falling leaves, Heaven,... Cách hát của Junsu, Chang Min và Yoochun dường như không có thay đổi nhiều nhưng mình thích cách hát của Jaejoong giai đoạn 2007 về trước hơn. Giọng anh lúc đấy còn hơi cứng nên nghe có cảm giác mộc mạc hơn, hoặc cũng có thể là do mình hoài niệm quá khứ quá :))

Các ca khúc pop ballad của  DBSK có độ khó đặc biệt cao mà mình không nghĩ có nhóm nào có đủ thành viên và có khả năng hát lại hoàn hảo như họ, đỉnh cao là Tonight, Bolero, Love in the ice, W, Magic castle. Mình nghe rất nhiều nghệ sĩ hát Magic Castle rồi, ví dụ như SNSD. Tuy là nữ nhưng họ hát với tông thấp hơn hẳn so với DBSK, làm mất cái tinh thần giáng sinh cần truyền tải trong bài hát nên nghe khá thất vọng. Còn Bolero và Love in the ice cũng từng được cover và phải nói họ làm tương đối tốt chứ không phải là quá tệ, nhưng để so với bản gốc thì lại là 1 chuyện khác. Ví dụ Bolero ở sân khấu SM Town, về kĩ năng mà nói thì 2 bạn hát chung với Min khá ok nhưng có lẽ vì vấn đề ngôn ngữ nên hát nó cứ trôi tuột ra khỏi tai ấy, chẳng có tí cảm xúc gì. Đấy là chưa kể có rất nhiều phần hòa âm và combo high note không được thực hiện. Nói chung mình khá là tự tin khi lôi mấy bài này ra làm chuẩn mực cho kĩ năng thanh nhạc của DBSK. Sẽ không có nhóm nhạc nào có thể hát được mấy bài này như DBSK từng hát.




Tiếp theo về dance. DBSK nổi tiếng với việc trình diễn các ca khúc nhạc dance sôi động, mạnh mẽ và vẫn live tốt y như audio. Điều này có thể minh chứng qua các MR của họ. Khác với ở Nhật, các album Hàn ngoại trừ Tri Angle thì đều có các lead single là nhạc dance như Rising sun, O, Mirotic, Keep your head down, Catch me,... Các ca khúc này có điểm chung là thường có khoảng 2 đoạn rap và rất nhiều high note chia đều cho các thành viên. Với mình ca khúc đỉnh cao nhất của họ chính là Rising sun. Đây cũng là một trong những bài khó live nhất vì không chỉ có high note cực khó của Chang Min mà còn vì vũ đạo dồn dập theo tiết tấu nhạc. Nếu ca sĩ không có kĩ năng thanh nhạc và sức lực bền bỉ thì rất khó cover ca khúc này của họ. Mirotic thì là huyền thoại rồi, nhắc đến DBSK thì phải là Mirotic đầu tiên. Tuy nhiên có 1 bài B-side mà mình đánh giá khá cao là Wrong number. Sau khi JYJ tách nhóm thì việc trình diễn trọn vẹn ca khúc này là không thể vì có rất nhiều combo high note ở cuối bài mà chỉ 2 thành viên thì không thể làm được.

Ở Nhật thì chủ yếu là trans ver từ các ca khúc Hàn Quốc. Các bài gốc thì lại không cầu kì như ở Hàn nhưng dance với tiết tấu nhanh, không ngừng nghỉ. Mình đặc biệt thích Purple line, Super star, Somebody to love, .... Cái bài Somebody to love thì quá thần thánh rồi tuy nó không hẳn là dance. Không hiểu sao vừa hát vừa nhảy tưng tưng như nhảy dậy, lại còn chạy khắp sân vận động như vậy được. Với mình nó cũng là bài kết thúc concert hay nhất trong số tất cả các bài của DBSK.

Nhạc dance của DBSK thường có tiết tấu nhanh, dồn dập về cuối. Tuy giai đoạn 2011-2015 vì xu hướng nên âm nhạc của họ cũng bị lạm dụng auto tune và dần hơi mất chất SM nhưng kĩ năng thanh nhạc và kinh nghiệm đã giúp họ trình bày xuất sắc các ca khúc trên sân khấu, không vướng trở ngại nào. Ca khúc mình đánh giá cao nhất của họ giai đoạn này là Keep your head down với hơi hướm rock, dance gọn ghẽ, truyền tải tinh thần khẳng định lại vị thế xuất sắc của họ sau 2 năm gián đoạn.

Cá nhân mình thì nghĩ trên con đường âm nhạc, DB2K gặp nhiều khó khăn hơn so với JYJ. Thứ nhất vì chất giọng hạn chế và rất đối lập nhau khiến họ phải không ngừng nỗ lực để tìm cách hòa âm, Thứ hai chính vì mất đi main vocal nên các ca khúc sau này của họ không những phải luyện các high note của man vocal mà còn phải tập trung mạnh vào phần dance, tăng hiệu ứng trình diễn. Chỉ với 2 thành viên, để làm được những điều này phải cần 1 sự nỗ lực khủng khiếp. Xem các concert của họ bên Nhật kéo dài khoảng 3 tiếng, mình cũng thấy lạ khi họ chưa ngã gục trên sân khấu sau khi trình diễn một loạt ca khúc dance nổi tiếng. Xem Behind the scene, mình cực kì đau lòng khi thấy họ phải dùng ống để thở hay nằm lăn ra để lấy lại sức. Tuy nhiên con đường hoạt động của JYJ thì lại gặp khó khăn hơn nhiều so với DB2K. Mình nói điều này chỉ muốn khẳng định 1 điều: không thể so sánh DB2K và JYJ ai khổ hơn ai được. Ai cũng có cái hạn chế riêng và mình thực sự vô cùng tự hào khi được chứng kiến họ nỗ lực hoàn thiện, trưởng thành hơn để vươn lên mạnh mẽ cho đến tận ngày hôm nay.



Nhạc của DBSK thường là do đội ngũ nhạc sĩ trong công ty sáng tác nhưng họ cũng có một số tác phẩm rất nổi bật, đặc biệt là ở bên Nhật như Colour, melody and harmony, Kiss baby sky đều là các single từng no1 bảng xếp hạng Oricon. Bên cạnh đó còn có Wasurenaide, Love after love, Rainy night, Checkmate,...  Sau này khi JYJ tách ra họ được tự do phát triển tài năng của mình hơn và  hầu hết là tự viết nên những ca khúc rất hay như Fallen leaves (bài này siêu hay), Still in love, Heaven, Butterfly,.....

Cá nhân mình thấy âm nhạc của họ tuy thăng hoa về cả cảm xúc lẫn kỹ thuật nhưng lại không có sự thách thức, đổi mới hay mang tính hiện thực nhiều. Có lẽ vì sự hạn chế trong thời gian sáng tác và hướng đi của nhóm cũng khá khác so với các nhóm còn lại của SM Town nên họ chưa đạt đến đỉnh cao trên con đường tạo ra âm nhạc của chính họ. Chí ít đối với mình là như vây. Đây là một điểm yếu thế hơn so với bậc đàn anh H.O.T mà mình hi vọng một ngày nào đó khi họ đã tái hợp sẽ có thể tập trung nâng cao hơn.

Tiếp theo mình muốn nói một chút fact về sự nghiệp của DBSK mà rất nhiều fan các nhóm khác còn đang hiểu nhầm.

Thứ nhất, vị trí của DBSK ở trong SM TOWN? Rất nhiều người nói DBSK đã tuột dốc sau sự kiện năm 2010 và điều này là đúng. Tuy nhiên giá trị thương mại của họ thì chắc chắn không có thua kém ai. Lợi nhuận chủ yếu của các nghệ sĩ đến từ các concert nước ngoài chứ không phải là sale album, đặc biệt là trên đất Nhật. Nhật Bản là thị trường âm nhạc lớn thứ 2 trên thế giới nên ai cũng sống chết muốn thành công ở đây. Ở Hàn, doanh thu của DBSK có thể xếp sau các đàn em nhưng ở Nhật thì chắc chắn không ai đọ bằng. Doanh thu của DBSK ở Nhật thậm chí còn được đọ ngang với các nghệ sĩ hàng đầu Jpop như AKB48, Smap, Arashi,... Ví dụ như năm 2007 họ xếp thứ 4, sau Bae Young Jun, Bi, BoA. Ở riêng Nhật, năm 2010 khi nhóm đang gián đoạn vì vụ kiện của JYJ, họ vẫn thu về 112 triệu USD chỉ sau AKB48, gần gấp đôi 79 triệu USD của năm 2009. Năm 2013 nhóm thu về khoảng 92 triệu USD và 2014 với 30 triệu USD chỉ với doanh thu bán hàng, xếp thứ 5 toàn Nhật Bản. Toàn bộ thời gian hoạt động, DBSK là nghệ sĩ kiếm về nhiều tiền nhất cho SM TOWN với hơn 50% doanh thu của SM, bằng tất cả các nghệ sĩ khác cộng lại. Dĩ nhiên so sánh thì bao giờ cũng khập khiễng vì đây là tính giá trị tuyệt đối trong khi giá trị đồng tiền thì chỉ là tương đối. Ví dụ như đồng tiền BoA kiếm được có giá trị rất lớn, cân toàn bộ SM khi mà DBSK chưa ra mắt. Tiền của Super Junior hay SNSD kiếm về có thể rất nhiều nhưng do lạm phát và tình hình thương mại khác biệt nên không thể so được với hồi doanh thu của BoA, DBSK ngày xưa. Mình biết các nhóm khác làm ăn rất ngon nghẻ nhưng nguồn lợi nhuận khổng lồ DBSK thu về khiến họ luôn đứng số 1 trong các nghệ sĩ của SM TOWN là điều không thể chối cãi. 

Thứ hai, lượng sale đĩa nhạc của DBSK. Điều mình rất thích là việc họ tập trung vào hình ảnh 1 ca sĩ hơn là 1 idol. Khác với các nghệ sĩ SM thường đi show giải trí, làm MC hoặc radio thì DBSK chỉ tập trung vào việc làm album/concert, thi thoảng khi come back mới lên vài show làm khách mời. Dĩ nhiên làm ca sĩ thì phải làm tốt phần hát trước và mình đánh giá cao điều này ở họ. Mình không biết số liệu có tin cậy không nhưng wiki mới nhất cập nhật thì DBSK là nghệ sĩ bán nhiều đĩa nhất Hàn Quốc với hơn 5 triệu đĩa Hàn và 10 triệu đĩa Nhật. Nếu cộng cả phần của JYJ thì 5 người họ đã tẩu tán được hơn 18 triệu đĩa nhạc. Xếp thứ 2 là BoA với 12 triệu đĩa. Tuy DBSK chưa có cái album nào vượt mốc 1 triệu bản tại Hàn hay Nhật nhưng hầu như các album của họ đều sale đều đặn trên 200k. Album Hàn bán chạy nhất là Mirotic với hơn 600k còn bên Nhật là Best selection với 700k. Hiện tại EXO đang lên với tỉ lệ tiêu thụ đĩa đáng kinh ngạc (khoảng 4 triệu đĩa sau 3 năm debut) nên việc phá được kỉ lục của DBSK cũng không phải là không thể. Cái này thì chỉ có tương lai mới trả lời được.



Thứ ba, fanbase của DBSK? Sự thực là lượng fan còn active của DBSK đang càng ngày càng giảm xuống. Thời gian hoạt động cũng là 1 vấn đề vì lứa fan nhỏ tuổi nhất theo dõi DBSK ngay từ những ngày đầu tiên thì cũng đã bắt đầu đi làm rồi. Chính vì thuộc đối tượng trưởng thành nên việc ngồi vote hay tăng view cho nhóm là vô cùng hạn chế. Nhưng cũng nhờ thế mà lượng sale album và single của DBSK vô cùng ổn định. Mình nghe rất nhiều tranh cãi xung quanh fan EXO, Suju và Big Bang. Việc xác định ai nhiều fan hơn ai là điều không thể, giống như việc so xem Michael Jackson và The Beatles ai nhiều fan hơn vậy. Chỉ có thể xác định ai có fandom chính thức lớn nhất mà thôi, nghĩa là member của fanclub phải đóng phí thành viên và tham gia các sự kiện chung của fanclub. DBSK đã từng ghi kỉ lục Guiness với Fandom 800k fan vào năm 2008 và hiện tại giảm xuống khoảng hơn 500k fan nhưng vẫn gần gấp rưỡi vị trí thứ 2 là Big Bang. Đấy còn chưa kể fandom Bigeast tại Nhật của DBSK còn hoạt động chặt chẽ hơn với hơn 300k fan. Vậy nên đừng lôi cái con số mấy triệu fan đăng kí qua mạng của EXO ra nói với mình.


Thứ tư, cảm tình đói với công chúng? Trong SM Town có lẽ nhóm duy nhất làm tốt mặt này là SNSD. Hồi còn trên đỉnh cao DBSK cũng bị ghét rất ghê nhưng ít ra thì họ chưa bao giờ bị chỉ trích về thái độ hoặc bất cứ một scandal. Mình cũng không hiểu vì sao các ca sĩ của SM luôn ít thiện cảm đối với công chúng hơn các nhóm nhạc khác :))) Có điều thời gian qua đi, qua các pann thì mình có thể cảm nhận công chúng đang có thiện cảm với DBSK hơn hẳn so với quá khứ. Họ chấp nhận DBSK là một bức tường thành đối với thế hệ thần tượng thứ 2 mà hiện nay chưa ai vượt qua được, với mình chỉ cần vậy là đủ rồi.

Thứ năm, scandal tách nhóm. Mình nghe rất nhiều người so sánh vụ việc này với các thành viên nhóm nhạc khác như Jessica, Hankyung, Ki Bum, Kris,... Vấn đề ở đây là bản chất sự việc. JYJ khởi kiện là vì tranh chấp với SM Town chứ không phải vì xích mích với các thành viên như Jessica, cũng phải vì lí do đau ốm gì đó như Luhan, Tao,... Mình đánh giá vụ kiện này có tính chất lịch sử đối với nền công nghiệp idol vì sau đó, luật JYJ được ban hành khiến SM buộc phải sửa đổi tất cả các hợp đồng với các nghệ sĩ khác. Vậy nên đọc vụ kiện của Kris hay Tao mình thấy buồn cười lắm, debut mới được hơn 2 năm đã cắp đít bỏ về nước. Nếu so ra họ quá được lợi so với các tiền bối đi trước ấy chứ.

Mình cũng không biết vì sao các bạn fan only lại cố chấp như vậy trong khi rõ ràng các thành viên vẫn luôn nhắc đến nhau với tình cảm chân thành nhất. Tình bạn của DBSK là thứ mình chưa bao giờ nghi ngờ trong suốt 9 năm qua. Bạn bè có bất đồng quan điểm là chuyện bình thường nhưng quan trọng nhất, không phải họ vẫn luôn nhắc đến nhau, đã gặp nhau, đã xóa đi hết buồn đau trong quá khứ rồi sao? JYJ luôn nhắc đến DBSK trong concert của họ, YH và JJ nhắc đến nhau, gần nhất còn gặp gia đình 2 bên trong quân đội nữa. Thay vì tiêu cực thì mình nhìn nhận vụ chia cắt này 1 cách tích cực hơn. Nếu Shinhwa là nhóm tồn tại lâu nhất thì không có bất cứ nhóm nhạc nào của Kpop sau khi tách đôi mà cả 2 đều vẫn hoạt động tốt và đạt được thành công vang dội như DBSK cả. Thêm vào đó thay vì dựa dẫm nhau, họ được phát triển bản thân một cách toàn diện và đồng đều hơn. Ai cũng công nhận kĩ năng thanh nhạc của YH tốt hơn hẳn, CM được bộc lộ chính mình nhiều hơn trên các show giải trí và được công nhận với vai trò diễn viên, YC thì là lớp diễn viên mới tiềm năng rồi, JJ cũng thử sức với diễn xuất và ra solo album thành công, JS cũng solo và thành công ở mảng nhạc kịch. 



Thứ sáu, Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của DBSK tới làn sóng Hallyu. Tuy mình luôn nghĩ rằng THSK không đại diện cho kpop vì họ gần như được Nhật Bản chấp nhận như một nghệ sĩ Jpop nhưng danh tiếng Kpop vẫn được lợi rất nhiều từ thành công của họ. THSK là nhóm nhạc nước ngoài đầu tiên được tổ chức tại Tokyo Dome và cũng là nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên được tổ chức concert tại Nissan stadium. Mình biết hiện nay có rất nhiều nhóm nhạc Hàn đã tổ chức thành công concert tại Tokyo Dome với điều kiện dễ dàng hơn nhiều so với THSK ngày xưa. Điều này làm mếch lòng khá nhiều fan DBSK, trong đó dĩ nhiên có mình. Tuy nhiên cần phải nhớ 1 điều, giá trị nghệ sĩ của THSK khác hoàn toàn so với các nhóm nhạc khác. Việc một nhóm nhạc mất tới 5 năm lăn lộn trên đất Nhật, đi từ con số 0 đến khi được công nhận, từ khi hát trước vài chục người đến khi tổ chức concert với 72k người, từ khi không biết tiếng Nhật đến khi có thể thoải mái chém gió trên talkshow Nhật là điều không phải ai cũng làm được. Fan THSK hoàn toàn có quyền tự hào vì những gì THSK làm được, vì những công nhận từ thị trường Nhật Bản dành cho họ. Tuy nhiên mọi người cần hiểu rằng fan DBSK không tức giận với các idol khác vì sợ thành tích của DBSK bị lật đổ, mà là cảm giác bất công khi thấy con đường của các idol khác dễ dàng hơn nhiều thôi. Cảm xúc này là hoàn toàn bình thường. Vậy nên chỉ cần idol các bạn chứng minh được bản thân sẽ nỗ lực với tình cảm của các fan Nhật thì mọi chuyện sẽ đâu vào đó thôi. Fan DBSK cũng nên nhớ 1 điều rằng con đường phát triển của DBSK và con đường phát triển của các idol khác có giá trị hoàn toàn khác nhau, có thành công hoàn toàn khác nhau cho dù họ có cùng đi qua một mốc sự kiện nào đó đi chăng nữa.

Thực lòng thì ngoài THSK và BoA mình nghĩ các nghệ sĩ khác khá là thổi phồng tên tuổi và con đường phát triển của họ. Đơn cử nhất là SNSD. Tại làm sao 1 nhóm nhạc được vạch mục tiêu phát triển tại Nhật Bản và cũng đã lăn lộn tại đây mấy năm trời mà đến trò chuyện với fan bằng Tiếng Nhật cũng không làm được thế? Có thể vì mình thấy THSK và BoA phải chăm chỉ học Tiếng Nhật, nên có hơi khắt khe trước vấn đề này. Còn các nhóm như Super Junior, Big Bang, EXO thì thôi chả có gì để nói. Họ được lợi quá nhiều từ những tên tuổi đi trước. Tuy nhiên việc lấp đầy Tokyo Dome là 1 điều đáng khen ngợi và fan có quyền tự hào về họ. Tầm cỡ như BoA còn chưa tổ chức ở Dome lần nào kia mà, nói chung không thích thì thôi không quan tâm chứ cũng không cần xỉa xói vào làm gì. 

Thứ bảy, DBSK có flop không? Cái này còn phải tùy từng phương diện. Nếu so về giá trị thương mại, DBSK vẫn là top. Có khác chăng là họ đi xuống so với thời đỉnh cao của họ mà thôi. Nghệ sĩ nào thì cũng phải có lúc thoái trào, nhường cho lớp mới nhưng fan DBSK có quyền tự hào vì DBSK vẫn giữ vững vị trí top đầu trên mọi mặt trận kể cả khi đã hoạt động được 12 năm. Con đường khép lại một DBSK tuổi 20 đã được họ thực hiện rất đẹp, rất đáng tự hào rồi. 12 năm miệt mài cống hiến nghệ thuật, không hề dính 1 scandal cá nhân nào dường như là điều không tưởng trong giới showbiz, đặc biệt là Yunho và Chang Min. Mình thích họ cũng chính vì điều đó.


Một số kỉ lục nổi tiếng của DBSK:
- Là nghệ sĩ nước ngoài duy nhất có 12 single no1 trên bảng xếp hạng Oricon weekly (tính cả single Colour, melody and harmony thì là 13 rồi).
- Là nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên tổ chức concert tại Nissan stadium
- Là nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên thực hiện concert tại Tokyo Dome và đi Dome tour
- Là nghệ sĩ Hàn Quốc thu hút lượng fan đến xem concert nhiều nhất với kỉ lục 850k fan năm 2013 với Time tour.
- Là nghệ sĩ nước ngoài có lượng tiêu thụ đĩa đơn lớn nhất tại Nhật.
- Là nhóm nhạc nam có lượng đĩa nhạc bán chạy thứ 2 tại Hàn Quốc, chỉ sau H.O.T
- Là nghệ sĩ Hàn Quốc tiêu thụ đĩa lớn nhất Hàn Quốc (15,6 triệu bản - tính cả 5 người thì là gần 19 triệu) 

Tổng kết: DBSK là nhóm nhạc mở đầu thế hệ idol thứ 2 của Kpop. Suốt 12 năm hoạt động họ đã chứng tỏ được khả năng thanh nhạc nổi bật cùng thái độ cống hiến đúng đắn, bền bỉ cho nền âm nhạc. DBSK không những lập nên kỉ lục mà chính họ là người luôn phá vỡ kỉ lục của chính mình. Thành công của DBSK là sự cộng hưởng của rất nhiều yếu tố: tài năng, ngoại hình, nhân cách cũng như sự yêu mến của các fan hâm mộ. 

Có một bạn đã nói như này: 9 năm trong truyện chỉ là một vài trang giấy nhưng 9 năm của họ cũng chính là 9 năm thực của mình. Với tư cách là 1 fan, mình thực sự hạnh phúc khi được cùng họ đi qua những thăng trầm cuộc sống, được nhìn họ trưởng thành mà đặt mục tiêu cố gắng :) Cho dù hiện nay không còn nhiều thời gian để cập nhật tin tức nhưng mình tin chắc những ai đã từng đi qua những mùa thương nhớ như mình đều trân trọng tuổi thanh xuân có họ trong đời :)

DBSK, thật may vì các anh vẫn ở đây. Xin cảm ơn!

Ai quan tâm có thể đọc tiếp bài mình viết về H.O.T